Một cuộc đời tốt đẹp
Sáu mươi tư tuổi đời, bao nhiêu là kỷ niệm,
bao nhiêu là niềm vui, bai nhiêu là tình thương. 64 tuổi đời với những trách vụ
và công việc xen lẫn với những khó khăn gian khổ, đói khát và bệnh tật của một
người dân bình thường. Ông trùm Giuse Lựu tạ ơn Chúa vì 64 năm đó, và rồi ông
chỉ còn chờ giây phút sau cùng để "Trả lại những quãng đời trần gian Chúa
đã ban cho mình". Giây phút đó đã đến sớm hơn lòng ông mong chờ. Sau cuộc
tra tấn trong ngục tối im lặng âm thầm ông cảm thấy rõ giây phút đó từ từ đến.
64 tuổi đời sống làm con Chúa, còn lại chút hơi thở cuối cùng, ông cũng muốn
thành kính dâng lên trọn vẹn chi Ngài. Ông bám vào bờ tường, cố gắng đứng dậy
ngước mắt lên trời kêu tên cực trọng Chúa Giêsu và Đức Maria ba lần, và từ từ
ngã xuống nền nhà ngục, hoàn tất 64 năn dương thế một cách tốt đẹp.
Chào đời năm 1790 tại họ Cái Nhum, tỉnh Vĩnh
Long. Ngay từ thời niên thiếu, cậu Giuse Nguyễn Văn Lựu đã được hấp thụ một nền
giáo dục gia đình Công Giáo đạo đức. Nhờ vậy sau này khi kết hôn, Giuse Lựu đã
đem lại cho gia đình một nề nếp cao quý, môt bầu khí đầm ấm, yêu thương thấm
nhuần tinh thần đạo hạnh Kitô giáo.
Được đề cử làm trùm họ, ông tỏ ra xứng đáng với
lòng tín nhiệm. Quý mến của mọi người. Đặc biệt ông có tài hòa giải những cuộc
xích mích. Nhờ uy tín cá nhân, ông phân tích rõ ràng ai phải, ai trái, rồi dẫn
lời Chúa dạy trong Phúc Âm, ông mời gọi mọi người hãy tha thứ và làm hoà với
nhau. Thế là mọi người nghe theo các lời chí tình, chí thiết của ông. Hơn nữa
trong trách vụ này, ông còn thể hiện một tâm hồn nhiệt thành với việc tông đồ,
một Kitô hữu đầy lòng bác ái. Cộng tác với các linh mục trong việc điều hành họ
đạo, coi sóc các em thiếu nhi, giúp đỡ người nghèo. Ông đã hiến tất cả vườn
ruộng để xây dựng một nữ tu viện. Hằng ngày ông vẫn rộng tay làm phúc cho những
người nghèo khó. Cuộc đời của ông thật giống những người tôi tớ trung tín luôn
luôn làm sinh lời những nén bạc Chúa ban.
Những nguy hiểm gây ra do sắc chỉ cấm đạo
không làm cho ông Trùm họ Mặc Bắc sợ hãi. Trước biết bao hiểm nguy khó khăn,
ông vẫn lo liệu để các linh mục có nơi ẩn náu, hầu có thể cử hành và trao ban
các bí tích cho giáo hữu.
Ý chí sắt đá
Ngày 26-03-1853, quan quân vây làng Mặc Bắc để
tìm bắt cha Lựu (thực ra bấy giờ cha Minh đã thay thế cha Lựu mà quan quân
không biết), nhưng ngay lúc đó ông trùm Lựu can đảm trả lời: "Thưa các
quan không có đạo trưởng Lựu ở đây. Lựu chính là tên tôi làm trùm họ này".
Quan quân nhìn ông chỉ thấy dáng dấp một nông dân nhà quê không có vẻ gì là đạo
trưởng. Họ bèn lục soát kỷ hơn. Biết không thể trốn được cha Minh liền ra trình
diện, mà họ nghĩ là cha Lựu và 6 giáo hữu bị giải về tỉnh Vĩnh Long.
Những hình khổ trong tù đã làm bốn người thối
chí, họ muốn sống dễ dãi hơn. Những người yếu lòng ấy không chỉ phản bội Thiên
Chúa họ còn đổ tội cho ông trùm Mặc Bắc là người tiếp đón và cho đạo trưởng chú
ẩn. Họ nguyền rủa ông như là người gây ra mọi tang tóc, mọi khổ cực của họ.
Riêng ông trùm Lựu, trước sau vẫn một mực trung kiên với Thiên Chúa, ông đón
nhận những lời sĩ nhục và mọi đau khổ một cách khiêm tốn để đền bù những tội
lỗi mình. Ông sẵn sàng đón nhận tất cả vì ông tin tưởng vào Thiên Chúa. Tín
thác hoàn toàn nơi Ngài, lời tâm sự cùng linh mục cùng bị giam cho thấy ông có
một niềm tin vững mạnh và tấm lòng hy sinh cao cả: "Thưa cha, xin cha cầu
nguyện cùng Chúa để Chúa ban cho con sức mạnh và can đảm cần thiết. Con sắp
phải đi đày, con xin trao cho Chúa tất cả mọi sự thuộc về con, con bằng lòng dâng
cho Ngài hy sinh lớn lao hơn hết là gia đình vợ con, chính Chúa sẽ săn sóc vợ
con của con."
Còn gì cao quý và giá trị cho bằng một tình
yêu trong Thiên Chúa. Đấng chính là Tình Yêu.
An nghỉ trong Chúa
Những hình khổ lao tù cuối cùng chỉ thắng được
thân xác. Vì tuổi già sức yếu phải mang gông mang xiềng, nên đêm mùng một rạng
mùng 02-05-1854. ông Trùm Giuse Lựu đã trút hơi thở cuối cùng. Vị chứng nhân
trung thành đã xứng đánh lãnh nhận cành lá vạn tuế tử đạo, dù không bị trảm
quyết.
Đám tang ông trùm Giuse Nguyễn Văn Lựu là
trường hợp họa hiếm trong thời cấm đạo. Bất chấp mọi nguy hiểm có thể xảy đến,
bốn linh mục và độ 2000 tín hữu đã tiễn đưa linh cửu đến an táng trong khu
thánh đường họ Mặc Bắc.
Đức Giáo Hoàng Piô X đã suy tôn ông Trùm Giuse
Nguyễn Văn Lựu lên bậc chân phước Ngày 02-05-1909. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan
Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh