Chết Là Vận May
Giờ phút xử tử đã điểm. Lý hình chuẩn bị sẵn sàng. Bên ba người con, hai trai, một gái đang quỳ khóc lóc tiễn biệt, Thánh Mattêu Phượng vẫn nói những lời tràn đầy tin tưởng. Bởi vì ngài đã được chuẩn bị từ lâu cho biến cố tử đạo này: “Các con của Cha ơi, đừng khóc, đừng buồn làm chi. Cha đã gặp vận may mắn. Anh em chúng con hãy sống thuận hòa yêu thương đùm bọc nhau”.Matthêu Nguyễn Văn Phượng chào đời khoảng năm 1808 tại làng Kẻ Lái, tỉnh Quảng Bình, con ông Nguyễn Văn Bường, quân nhân. Cha mẹ đều là người Công Giáo đạo đức. Tên gọi của ông là Đắc, trong sổ là Kế, và sau khi lập gia đình, người ta mới gọi ông là Phượng theo tên người con cả.
Tình yêu phục vụ
Mồ côi cha từ năm lên mười, hai năm sau lại mồ côi mẹ, cậu Đắc sớm phải lo tự lực mưu sinh. Anh theo học nghề thuốc với thày lang Nhu, tuy ngoại đạo nhưng tính rất tốt, đã chỉ dẫn cho anh nhiều bài thuốc quý. Dưới thời vua Minh Mạng, anh theo giúp cha Điểm suốt bảy năm liền một cách tận tụy như người con hiếu thảo. Đổi lại, như người cha ruột, cha Điểm đã mai mối cho anh cưới một thiếu nữ hiền hậu xứ Sáo Bún, năm đó anh 22 tuổi. Từ ngày ấy, anh dọn về ở với bố vợ, tức ông đội Khiêm và hành nghề y sĩ. Được vài năm, anh chuyển sang nghề buôn bán. Nói chung, anh khá thành công trong nghề mới, nên gia đình luôn được sung túc.Thời gian thấm thoát, gia đình ông Phượng sinh hạ được tám người con. Dầu bận rộn với việc buôn bán, ông vẫn chu toàn việc giáo dục con cái, sống trọn vẹn với luật mến Chúa yêu người. Đặc biệt ông dạy bằng gương sáng. Chính ông siêng năng xưng tội rước lễ khi có thể, rồi nhắc nhở các con. Mỗi tuần ông đều thu xết thời giờ đi thăm bệnh nhân, và đến giúp đỡ bà con nghèo ở chung quanh. Cô Thủ, con gái ông, dâng mình cho Chúa trong dòng Mến Thánh Giá. Khi con cái đã trưởng thành, ông tìm nơi đạo hạnh để thông gia, và chia cho các con toàn bộ tài sản của mình, chỉ giữ lại những thứ tối cần thôi.Năm ông 50 tuổi, vợ ông từ trần. Ông cho gọi cô Phượng, con cả, lúc đó chồng cô cũng đã qua đời, đưa các cháu về sống với ông ngoại. Toàn thể giáo hữu Sáo Bún mến phụctài năng nhân đức của ông, nên cử ông làm Trùm họ. Trong hoàn cảnh khó khăn thiếu linh mục, ông Trùm Phượng có nhiều cơ hội phục vụ cho dân Chúa. Nhiều trẻ em được ông rửa tội, nhiều người xin theo đạo do lời khuyên bảo của ông. Đặc biệt, ông rộng rãi tiếp các linh mục và thày giảng đến trú ngụ tại nhà mình. Nghe mọi người dự đoán trước cuộc tử đạo ông sẽ phải lãnh nhận, ông mỉm cười và tiếp tục làm việc bác ái như trước.Ngày 02.01.1861, cha Hoan về Sáo Bún giúp mọi người chuẩn bị lễ Hiển Linh, ông trùm Phượng hân hoan mời cha về nhà mình. Không biết có ai tố giác không, mà ngay tối hôm sau, quân lính ùa đến vây làng. Cha Hoan lén ra bờ sông tìm cách trốn nhưng bị bắt. Sau đó, lính kéo đến nhà ông Trùm, rồi chia nhau lục soát khắp nhà. Khi tìm thấy áo lễ, chém lễ và ảnh tượng, lính liền bắt ông Phượng đưa về Đồng Hới cùng với cha Hoan và bảy giáo hữu khác.
Tín Trung Đến Cùng