07-26: Ngày 26
tháng 7 - CHÂN PHƯỚC ANRÊ PHÚ YÊN, Thày Giảng (1625-1644)
Trong lá thư gửi đại hội giới trẻ thế giới lần thứ 17 tại
Canada, một thanh niên Việt Nam được Đức Gioan Phaolô II nêu danh ở vị trí thứ
hai trong số 10 vị thánh trẻ gương mẫu [1].
Nhân vật có vinh dự lớn lao ấy chính là chân phước Anrê Phú Yên, một thanh niên
trẻ trung đất Việt đã làm chứng cho Chúa vào tuổi 19, cũng là vị tử đạo tiên
khởi trong số 118 chứng nhân đức tin tại Việt Nam được suy tôn trên bàn thờ.
Anrê Phú Yên sinh khoảng năm 1625, là con út trong một gia đình
nghèo tại thôn xóm nhỏ ven biển, thuộc tỉnh “Ranran” tức tỉnh Phú Yên. Sinh
quán của anh hiện nay thuộc về giáo xứ Mằng Lăng, tỉnh Phú Yên, giáo phận Quy
Nhơn.
Năm 15 tuổi, cùng với thân mẫu, anh đón nhận đức tin với tên
thánh là Anrê. Không có tài liệu nào về tên thật của anh, nên mọi người gọi anh
bằng tên thánh : Anrê Phú Yên.
Thày giảng trẻ tuổi
Tuy góa bụa nhưng bà Gioanna đã giáo dục con với tất cả lòng tận
tụy và khôn ngoan. Hai năm sau, bà nài xin và được chính cha Đắc Lộ, vị thừa
sai dòng Tên nổi tiếng tại Việt Nam, nhận lời cho con của bà là Anrê khi đó mới
17 tuổi, được gia nhập vào tổ chức thày giảng. Sau một thời gian được huấn
luyện thêm về tôn giáo và văn hóa, Anrê đã tuyên khấn tại Hội An năm 1643, và
bắt đầu thi hành công tác thầy giảng, theo chân cha Đắc Lộ trên bước đường
truyền giáo từ Phú Yên lên Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Quảng Nam và Quảng Bình.
Dựa theo tài liệu do chính cha Đắc Lộ viết về công cuộc truyền
giáo ở Đàng Trong, bên cạnh hai kitô hữu trưởng thành, còn có một nhóm những
người trẻ hơn, cũng tuyên thệ công khai tại nhà thờ, hứa cộng tác vào việc cứu
vớt các linh hồn, dưới sự hướng dẫn của các thừa sai hoặc bề trên do các ngài
chỉ định. Trong số những người trẻ tuổi ấy có thầy Anrê, đã tận hiến đời mình
bước theo dấu chân Thày Chí Thánh.
Một số nhân chứng đã gặp thầy tại nhà của cha Đắc Lộ, hoặc chứng
kiến cách thức thầy phục vụ cộng đoàn ở Hội An; đều ca ngợi thày là người nhiệt
thành và hăng say, khi giảng dạy về đức tin cũng như khi chủ sự các giờ kinh
cộng đoàn. Nhiều người xác định thày siêng năng lãnh nhận bí tích Hòa giải và
Thánh Thể.
Đón nhận những khó khăn cách tự nguyện
Tháng 7 năm 1644, Quan nghè Bộ đang trấn nhiệm tỉnh Phú Yên nhận
được sắc chỉ từ phủ chúa Nguyễn ra lệnh cấm truyền bá đạo. Ông tỏ ra hăng say
tuân theo mệnh lệnh này. Ông cho lệnh bắt giam một thày giảng lớn tuổi cũng có
tên là Anrê và bao vây nhà cha Đắc Lộ để lùng bắt một thầy giảng khác có tên là
Ignatio.
Cha Đắc Lộ nghe biết chuyện đã đến gặp viên quan này để tìm cách
thương thảo, nhưng quan trấn khẳng định quyết tâm thi hành lệnh nhà chúa. Ông
yêu cầu cha trở về Macao và báo trước sẽ trừng phạt nặng nề các tín hữu dám
theo đạo mới. Thế nên cha Đắc Lộ chỉ còn cách đi vào nhà giam để thăm thầy già
Anrê. Cha xin ở lại một đêm với thày nhưng không được phép.
Khi quân lính tới nhà cha Đắc Lộ để lùng bắt thầy giảng Ignatio
thì cả nhà đều đi vắng. Thầy Anrê trẻ là người duy nhất có mặt. Thày đứng ra
nhận hết trách nhiệm, nên quân lính bắt trói thày sau khi đã lục lọi các ảnh
thánh và đồ thờ đem về trình cho quan trấn. Anrê vui vẻ đi theo họ, và trên
suốt quãng đường "không ngừng giảng cho những kẻ dẫn mình vào ngục biết
đường tránh hỏa ngục và được lên trời” [2]
Sau khi bị điệu đến quan, bị tố cáo là giáo dân và là thày
giảng, thày Anrê bị nhốt chung với thày già Anrê. Cả hai thức suốt đêm mà họ
coi như đêm cuối cùng của cuộc đời, cả hai yên ủi nhau với niềm tin tường ngày
mai cả hai sẽ về thiên quốc[3].
Theo cha Đắc Lộ : "Thật không thể giải thích được niềm vui của hai tù nhân
này lớn lao dường nào khi thấy mình được liên kết với nhau, được vinh dự mang
gánh nặng của Thập Giá vì niềm tin nơi Chúa Kitô : những lời chúc tụng của họ
liên tục dâng lên Thiên Chúa vì ân huệ ấy, trong cuộc nói chuyện đầy thương
mến, họ khích lệ và nhắn nhủ nhau sẵn sàng cho trận chiến tương lai"
Sáng hôm sau, quan truyền đưa hai thày giảng Anrê ra tòa để kết
án. Hai vị bị áp tải qua các đường phố, cổ mang gông, băng qua chợ Kẻ Chàm, đến
dinh quan trấn. Cha Đắc Lộ và một vài thương gia Bồ Đào Nha tới gặp quan để tìm
cách can thiệp. Nhưng quan chỉ chấp nhận tha cho thày già Anrê và kết án chàng
thanh niên 19 tuổi cố chấp, dám dõng dạc thưa với quan : “Ước chi tôi có được
ngàn mạng sống để hiến dâng tất cả cho Thiên Chúa hầu đền đáp ơn Người”.
Khi nghe bản án tử hình, thầy Anrê tỏ ra thanh thản và vui mừng
vì được chịu khổ đau vì Chúa Kitô. Thày khích lệ những người đến thăm. Thày xin
họ cầu nguyện cho mình được ơn trung thành với Chúa, và nói lên ước nguyện được
dâng hiến mạng sống trong tình yêu trọn vẹn, hầu đáp trả tình yêu thương vô
biên của Chúa, Đấng đã hiến mạng sống vì loài người... Lời thầy lập lại nhiều
lần nhất là: "Chúng ta
hãy lấy tình yêu để đáp lại tình yêu của Chúa chúng ta, hãy lấy mạng sống đáp
lại mạng sống".
Lấy tình yêu để đáp lại tình yêu
Vào khoảng 5 giờ chiều, một toán lính khoảng 30 người vào tù áp
tải thầy Anrê đi tới nơi hành quyết. Thầy Anrê cảm tạ Chúa vì giờ hiến tế đã
tới, và sau khi chào mọi người bạn tù, thầy nhanh nhẹn bước đi. Quân lính bao
vây chung quanh và dẫn thầy đi qua các đường phố ở Kẻ Chàm, tới một cánh đồng
ngoài thành, [4].
Cha Đắc Lộ, nhiều tín hữu Việt Nam và Bồ Đào Nha cùng một số dân trong vùng đã
đi theo chứng kiến cuộc xử tử vị Tôi Tớ Chúa.
Đến nơi hành hình, quân lính đẩy thầy Anrê quì xuống, rồi đứng
vây chung quanh, sau đó họ tháo gông và trói hai tay thầy lại. Cha Đắc Lộ xin
và được phép trải một tấm chiếu dưới chân thầy Anrê để hứng máu, nhưng thầy
Anrê từ chối, thầy muốn máu mình rơi xuống đất như máu cực trọng Chúa Kitô thuở
xưa. Cha Đắc Lộ tôn trọng quyết định của thầy và đứng bên cạnh. Trong khi đó,
thầy Anrê nhắn nhủ các tín hữu đang hiện diện, hãy luôn kiên vững trong đức
tin, đừng buồn phiền vì cái chết của thầy, và hiệp lời cầu cho thầy được trung
thành tới cùng.
Cuộc hành quyết thầy Anrê được thi hành bằng mấy nhát giáo đâm
thấu cạnh sườn bên trái. Thày Anrê vẫn nhìn về phía cha Đắc Lộ như âu yếm nói
lời vĩnh biệt, nhưng cha nhắc thày ngước nhìn lên trời nơi thày sắp tới và có
Chúa Giêsu đón thày. Thày ngước mắt lên cao và không nhìn xuống nữa. Cuối cùng,
khi một người lính dùng đao chém đầu, thầy vẫn lớn tiếng kêu lên danh thánh
"Giêsu".
Hôm ấy là ngày 26 tháng 7 năm 1644.
Cho tới hơi thở cuối cùng, Thầy Anrê đã chứng tỏ lòng kiên trung
chấp nhận dâng hiến tế cuộc sống vì lòng tin yêu Chúa Kitô. Cha Đắc Lộ, sau khi
chứng kiến tất cả diễn tiến cuộc hành quyết, đã xin được lãnh thi hài của Thầy
Anrê. Ít ngày sau ngài đưa thi thể thày đưa xuống tàu mang sang Macao ngày 15
tháng 8 năm 1644. Các tu sĩ dòng Tên tại đây đã đón rước linh cữu thày và an
táng tại đây. Riêng thủ cấp của vị chứng nhân đức tin được cha Đắc Lộ đưa về
tận Rôma. Dựa vào các tài liệu của cha viết về cái chết của Thày Anrê, ngay
cuối năm 1644, tòa thánh đã bắt đầu khởi sự án phong chân phước cho thày.
Với các tín hữu Việt Nam, Thầy Giảng Anrê Phú Yên chính là vị tử
đạo đầu tiên của Đàng Trong, là mẫu gương ngời sáng của một người con Chúa
trung thành sống đời kitô hữu. Họ tin tưởng xin Thầy chuyển cầu cho họ nơi tòa
Chúa để được sức mạnh can đảm sống phù hợp với đức tin và trung thành với ơn
gọi Kitô. Các giám mục Việt Nam khi đi dự Công Đồng Vatican II, đã xin Đức
Phaolô VI mở lại án phong chân phước cho Thầy Giảng Anrê. Các vị nhấn mạnh tấm
gương của thầy Anrê, qua thái độ bình thản và cương quyết chấp nhận tử đạo, là
một trợ lực mạnh mẽ cho những ai giống như thầy, đang chịu đau khổ để bảo vệ
đức tin và trung thành với Chúa Kitô và với Giáo hội.
Giữa năm đại thánh 2000, vào ngày 5 tháng 3, Đức Gioan Phaolô II
đã suy tôn Thày Anrê Phú Yên lên bậc chân phước